Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang được gấp rút triển khai, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ trở thành đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế xã hội của nhiều địa phương.
Trục xương sống của hệ thống giao thông quốc gia
Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 gồm 11 dự án thành phần, ngoại trừ 8 dự án đang thi công, 2 dự án còn lại đã được Quốc hội đồng ý chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công gồm đoạn quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6/2021.
Đây là nỗ lực của các cấp chính quyền nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 vào năm 2023 như chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Không chỉ vậy, phần lớn dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam dài hơn 650 km nói trên đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nếu quyết tâm dồn nguồn lực lên đến 150.000 tỷ đồng trong 5 năm tới để thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP.Cần Thơ, các tỉnh miền Trung sẽ có thêm khoảng 700 km đường cao tốc, biến cao tốc Bắc – Nam trở thành tuyến hạ tầng động lực, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội khu vực miền Trung.
Đòn bẩy thúc đẩy kinh tế miền Trung
Gần đây, khu vực miền Trung đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn về hạ tầng từ Trung ương, trong đó, Bộ GTVT dành đến 35% lượng vốn được Chính phủ phân giao giai đoạn 2016 – 2020 cho các dự án hạ tầng tại khu vực này. Với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã và sẽ đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung trở thành khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất nước.
Những đoạn tuyến cao tốc này sau khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ kết nối đồng bộ mạng lưới sân bay tại miền Trung, gồm các sân bay: Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Bài (Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), Cam Ranh (Khánh Hòa), Vinh (Nghệ An)… và các sân bay đang được đề xuất đưa vào quy hoạch, đầu tư như sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), sân bay Quảng Trị, sân bay Hà Tĩnh.
Với vai trò là hành lang xương sống của cả quốc gia, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, trong đó, 14 tỉnh miền Trung – nơi cao tốc đi qua sẽ chiếm nhiều lợi thế hơn cả.
Miền Trung đang từng bước thay da, đổi thịt, nhiều năm liền, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội tại các tỉnh miền Trung đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương cũng quan tâm đến công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Cùng với việc hoàn thành tuyến cao tốc Bắc – Nam trong tương lai gần, đây sẽ đòn bẩy thực sự thúc đẩy kinh tế miền Trung đột phá./.
Nguồn: Baonghean.vn