(HNM) – Nhiều năm qua, các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 qua địa bàn thành phố Hồ Chí Minh không được cải tạo, nâng cấp kịp thời nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông. Thành phố chưa thể nâng cấp, mở rộng 4 tuyến quốc lộ này như dự kiến do vướng mắc về vốn và giải phóng mặt bằng. Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án này…
Quá tải nên thường xuyên ùn tắc
Ghi nhận trên tuyến quốc lộ 13, đoạn từ cầu vượt Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu (thành phố Thủ Đức) cho thấy, dù được xem là “xương sống” nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước nhưng chưa được nâng cấp, mở rộng, tạo thành nút “thắt cổ chai”, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. “Hằng ngày, cánh xe tải chúng tôi đều gặp phải ùn tắc khi vào thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc làm ăn”, anh Lê Quốc Phong – lái xe tải chở hàng cho Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Kiên Phát (phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), cho biết.
Tương tự, tại tuyến quốc lộ 50, kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Long An, Tiền Giang, cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện lớn, nhưng đường chỉ có 2 làn xe, lại chạy qua khu dân cư đông đúc; thường xuyên ngập khi triều cường… nên tình trạng giao thông lộn xộn thường diễn ra trong khung giờ cao điểm.
Còn tại quốc lộ 1, đoạn từ nút giao An Lạc đến vòng xoay cầu vượt Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), mặt đường xuống cấp và hẹp khiến giao thông khu vực này luôn trong tình trạng quá tải. Đáng nói, đoạn đường chỉ dài vài cây số nhưng có nhiều điểm “thắt cổ chai”, nên vào giờ cao điểm cũng thường xuyên ùn tắc. Trong khi đó, tuyến quốc lộ 22 là cửa ngõ phía Tây Bắc, kết nối thành phố Hồ Chí Minh với cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) để sang Campuchia có mật độ xe cộ rất cao, mặt đường nhỏ hẹp, liên tục xảy ra quá tải.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, các tuyến quốc lộ kết nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận đã quá tải và xuống cấp, việc nâng cấp và mở rộng giúp cải thiện giao thông khu vực, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn và giải phóng mặt bằng nên đến nay việc nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ trên chưa thể triển khai.
Linh hoạt về huy động vốn và giải phóng mặt bằng
Trong kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030 vừa được ban hành, UBND thành phố Hồ Chí Minh dự kiến trình thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021 đối với 4 dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50.
Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm thông tin thêm, trong 4 tuyến quốc lộ cần nâng cấp, mở rộng, tuyến quốc lộ 50 (đi qua huyện Bình Chánh) đã được thông qua chủ trương đầu tư. Cụ thể, dự án vừa được HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trung ương hơn 687 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách thành phố. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2024, với chiều dài 7km, mở rộng đường hiện hữu lên 34m.
Trong khi đó, tuyến quốc lộ 13 đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước (thành phố Thủ Đức) dài hơn 4,5km được mở rộng lên 53-60m, với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, chuyển từ hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) sang sử dụng vốn ngân sách.
Đối với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 dài 5,4km, được mở rộng lên 4-8 làn xe có tổng vốn 935 tỷ đồng, được đề xuất ưu tiên thực hiện từ nay đến năm 2025. Còn tuyến quốc lộ 1, đoạn từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận dài 2,5km sẽ được mở rộng lên 120m. Dự án có tổng mức đầu tư 3.353 tỷ đồng.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, để đẩy nhanh tiến độ 4 tuyến quốc lộ nói trên, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là linh hoạt trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình giải phóng mặt bằng thí điểm, rút gọn về mặt thủ tục. Đối với các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1, 13 và 22, thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Trung ương cấp vốn trung hạn để các dự án sớm được đầu tư, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố và khu vực phía Nam.
(nguồn: Hanoimoi.com.vn)
Xem thêm: Thiết bị an toàn đường bộ, Thiết bị an toàn công trình, Thiết bị an toàn đỗ xe, Thiết bị năng lượng mặt trời